Chắc hẳn nhiều anh em tài xế đã từng “lĩnh đủ” mùi nôn khó chịu trong xe khi chở trẻ nhỏ, người say xe hay trên những chuyến đi dài. Mùi hôi này không chỉ khiến khoang xe ngột ngạt, gây buồn nôn theo dây chuyền, mà còn bám dai dẳng nếu không xử lý đúng cách. Vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm lái xe và sự thoải mái của mọi người trên xe. Vậy làm sao để khử mùi nôn hiệu quả, nhanh gọn mà không tốn quá nhiều công sức? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.
Hướng dẫn vệ sinh và khử mùi nôn trên khoang cabin
Việc có người bị say xe và nôn trong ô tô không chỉ gây mùi khó chịu mà còn dễ làm bẩn, ố các bề mặt nội thất nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Dưới đây là các bước chi tiết giúp bạn làm sạch hiệu quả cả chất nôn mới lẫn vết bẩn đã khô, đồng thời giữ cho khoang cabin luôn sạch sẽ, không còn ám mùi.
Xử lý chất nôn mới – Càng nhanh càng tốt !
Bước 1: Nhanh chóng loại bỏ chất nôn
- Dùng khăn giấy, khăn vải hoặc bất kỳ vật dụng nào có khả năng thấm hút để gom sạch phần chất nôn càng sớm càng tốt. Lưu ý nhẹ tay để tránh làm chất bẩn lan rộng.
Bước 2: Khử mùi bằng baking soda
- Rắc một lớp mỏng baking soda lên khu vực vừa lau sạch. Để yên khoảng 30 phút để hút ẩm và khử mùi, sau đó dùng máy hút bụi hoặc khăn sạch để lấy đi phần bột bẩn.
Bước 3: Pha dung dịch vệ sinh phù hợp với từng loại bề mặt
- Ghế da: Trộn 3 phần bột baking soda với 1 phần nước ấm để tạo thành hỗn hợp sệt.
- Bề mặt vải, thảm hoặc nhựa vinyl: Pha giấm trắng và nước ấm theo tỷ lệ 1:8, thêm vào nửa thìa cà phê nước rửa chén, khuấy đều trước khi sử dụng.
Bước 4: Vệ sinh khu vực bị bẩn
- Dùng khăn mềm thấm dung dịch đã pha, lau hoặc chà nhẹ nhàng lên vết bẩn. Với vết chưa khô, thao tác này càng dễ dàng hơn.
Bước 5: Lau lại bằng nước sạch
- Với bề mặt da: dùng khăn ẩm vắt kỹ để lau, tránh làm da bị thấm nước gây mốc.
- Với vải, thảm hoặc nhựa vinyl: có thể dùng khăn ướt để lau sạch lại.
Bước 6: Làm khô khoang cabin
- Mở cửa xe để thông thoáng và đẩy nhanh quá trình làm khô. Nếu thời tiết ẩm, bạn có thể dùng máy sấy tóc hoặc quạt để hỗ trợ.
Xử lý vết nôn đã khô
Khi chất nôn đã khô, chúng thường bám chặt vào bề mặt, cứng lại và để lại vết ố, kèm theo mùi hôi khó chịu. Để làm sạch hiệu quả mà không làm hỏng nội thất xe, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Làm bong lớp bẩn bằng bàn chải
- Chọn loại bàn chải phù hợp với từng bề mặt – lông mềm cho da và nhựa vinyl, lông cứng hơn cho thảm và vải. Nhẹ nhàng chà để làm bong lớp chất bẩn khô, tránh làm trầy xước bề mặt.
Bước 2: Làm ẩm vết bẩn
- Dùng dung dịch vệ sinh (có thể pha theo công thức đã hướng dẫn ở phần trước) xịt lên khu vực bị bẩn để làm mềm vết bẩn khô, giúp dễ tẩy rửa hơn.
- Nếu vết bẩn vẫn còn cứng đầu, có thể phun thêm vài lượt dung dịch với lượng vừa đủ. Đợi vài phút để dung dịch thấm sâu và làm mềm hoàn toàn.
Bước 3: Chà lại bằng bàn chải hoặc bọt biển
- Tiếp tục dùng bàn chải phù hợp hoặc miếng bọt biển để chà nhẹ nhàng, giúp loại bỏ triệt để phần bẩn còn sót lại.
Bước 4: Lau sạch bằng khăn mềm
- Dùng khăn sạch, mềm thấm dung dịch còn lại và lau kỹ khu vực vừa vệ sinh cho đến khi bề mặt sạch hoàn toàn, không còn vết ố hay mùi.
Bước 5: Làm khô khoang xe
- Mở cửa xe để thoáng khí, giúp khu vực vừa vệ sinh khô nhanh. Nếu trời ẩm hoặc đang mưa, bạn có thể dùng máy sấy tóc hoặc quạt nhỏ hỗ trợ.
Sau khi đã xử lý sạch chất nôn, việc khử mùi hôi còn sót lại trong khoang cabin là bước không thể bỏ qua để đảm bảo không gian xe luôn dễ chịu và sạch sẽ. Trước tiên, hãy mở toàn bộ cửa xe hoặc bật quạt gió để không khí được lưu thông, giúp mùi hôi thoát ra ngoài nhanh hơn.
Với các khu vực đã vệ sinh, bạn có thể rắc một lớp baking soda lên bề mặt, nhỏ thêm vài giọt tinh dầu như bạc hà, sả chanh hoặc oải hương để vừa khử mùi vừa tạo hương thơm dịu nhẹ; để yên vài giờ rồi dùng máy hút bụi hút sạch phần bột còn lại. Ngoài ra, có thể đặt than hoạt tính hoặc túi khử mùi chuyên dụng trong xe để hút bớt mùi ẩm và độc hại.
Trường hợp mùi vẫn chưa hết hẳn, hãy sử dụng thêm máy lọc không khí hoặc máy hút mùi cho ô tô, kết hợp với xịt khử mùi nội thất định kỳ. Nếu muốn tăng hiệu quả, bạn cũng có thể để một ly giấm trắng hoặc cà phê xay trong xe qua đêm
Xem thêm: Cách tạo mùi thơm cho xe ô to
Khử mùi nôn trên xe bằng chanh
Chanh chứa axit citric có khả năng khử mùi mạnh, được nhiều người áp dụng.
Cách làm:
- Vắt 3 quả chanh lấy nước cốt, pha với 100–150ml nước sạch.
- Thêm 3 thìa cà phê giấm trắng, khuấy đều và cho vào bình xịt phun sương.
Sau khi làm sạch khu vực bị nôn, xịt trực tiếp dung dịch lên vị trí đó, giữ khoảng cách 20cm giữa vòi xịt và bề mặt nội thất.
Mở cửa xe hoặc hạ kính để lưu thông không khí, giúp mùi nhanh thoát ra ngoài.
Cuối cùng, dùng khăn giấy sạch lau lại kỹ vị trí vừa xử lý để đảm bảo khô ráo và sạch hoàn toàn.
Khử mùi nôn trên ô tô bằng quả dứa
Dứa là loại trái cây quen thuộc với hương thơm dễ chịu và tươi mát. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, dứa còn có khả năng hút mùi và khử mùi hôi trên xe ô tô một cách tự nhiên và hiệu quả.
Cách làm cực kỳ đơn giản, bạn chỉ cần:
- Làm sạch kỹ khu vực bị nôn bằng các bước đã hướng dẫn trước đó (loại bỏ chất bẩn, lau sạch, khử mùi cơ bản).
- Chuẩn bị một quả dứa tươi, cắt bỏ phần lá nếu cần.
- Đặt quả dứa lên khay nhựa hoặc hộp nhỏ, sau đó để dưới gầm ghế trong xe – nơi gần khu vực có mùi nhất.
- Theo dõi sau 3–4 ngày: nếu dứa bắt đầu có dấu hiệu phân hủy, hãy thay bằng quả mới. Tiếp tục duy trì cho đến khi mùi nôn không còn.
Mẹo nhỏ: Bạn nên mở hé cửa sổ hoặc bật chế độ lấy gió ngoài khi có thể để không khí được lưu thông tốt hơn, giúp mùi thơm tự nhiên của dứa lan tỏa và mùi hôi bay đi nhanh hơn.
Hiện tôi đang phụ trách kỹ thuật và hỗ trợ bảo hành tại Zaracos. Với mong muốn giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, tôi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình trên website gheoto.vn Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất.