Có thể nói, túi khí là một trong những phát minh quan trọng nhất trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại – một chi tiết nhỏ nhưng đã cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới. Trong những giây phút sinh tử khi tai nạn xảy ra, túi khí đóng vai trò như một lá chắn vô hình, giúp giảm thiểu chấn thương nghiêm trọng cho người lái và hành khách. Vậy cụ thể, túi khí hoạt động ra sao và tại sao nó lại được xem là “người hùng thầm lặng” trên mỗi hành trình ? Hãy cùng tìm hiểu !
1. Túi khí ô tô là gì ? Cấu tạo và vai trò trong hệ thống an toàn trên ô tô
Trong số những công nghệ an toàn trên ô tô, túi khí (Supplemental Restraint System – SRS) là một phát minh mang tính đột phá, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ tính mạng con người khi xảy ra tai nạn. Đây là thiết bị an toàn thụ động, được tích hợp tại nhiều vị trí bên trong khoang xe và phần khung xe như: vô lăng, taplo, hai bên cửa, trần xe hay phía trước đầu gối người ngồi.
Khi xe gặp va chạm mạnh, túi khí sẽ bung ra chỉ trong vài phần nghìn giây – gần như ngay lập tức – tạo thành một lớp đệm mềm, giúp giảm thiểu chấn thương nghiêm trọng cho người lái và hành khách. Dù chỉ sử dụng một lần duy nhất và sẽ tự hủy sau khi hoạt động, nhưng tác dụng của túi khí trong việc hấp thụ lực va đập và bảo vệ vùng đầu, ngực hay chân là cực kỳ quan trọng.
Hệ thống túi khí thường gồm 3 bộ phận chính: túi chứa khí, bộ tạo khí, và cảm biến va chạm. Túi khí được làm từ loại vải co giãn hoặc vật liệu đặc biệt có thể gấp gọn và bung ra linh hoạt khi cần. Trong tình huống khẩn cấp, cảm biến phát hiện va chạm sẽ truyền tín hiệu đến bộ tạo khí, kích hoạt phản ứng hóa học sinh ra khí làm phồng túi lên chỉ trong tích tắc.
Dù dây an toàn là lớp bảo vệ đầu tiên giúp giữ người ngồi không bị văng khỏi ghế, nhưng trong các va chạm mạnh, nó vẫn chưa đủ để ngăn cơ thể va đập vào vô lăng, taplo hay cửa kính. Khi đó, túi khí đóng vai trò như “lá chắn thứ hai”, cùng dây an toàn tạo nên một mạng lưới bảo vệ toàn diện – đúng như mục tiêu của toàn bộ hệ thống an toàn trên ô tô: giảm thiểu rủi ro, giữ an toàn tối đa cho con người.
Xem thêm: Khí trong túi khí là khí gì ?
2. Túi khí ô tô được lắp đặt ở đâu ?
Để tối ưu khả năng bảo vệ người ngồi trên xe, túi khí ô tô được bố trí ở nhiều vị trí khác nhau xung quanh khoang hành khách – từ phía trước, bên hông cho đến phía trên đầu. Mục tiêu là giảm thiểu va đập từ mọi hướng trong các tình huống va chạm bất ngờ. Dưới đây là các vị trí lắp đặt túi khí phổ biến:

Túi khí phía trước: Đây là loại túi khí phổ biến và gần như bắt buộc phải có trên mọi dòng xe hiện nay. Túi khí được lắp bên trong vô lăng (đối với người lái) và bên trong taplo (đối với hành khách phía trước). Khi xe gặp va chạm trực diện, túi khí sẽ bung ra để giảm nguy cơ va đập của phần đầu và ngực vào các chi tiết cứng như vô lăng hay bảng điều khiển.
Túi khí bên hông: Được tích hợp vào sườn ghế hoặc cửa xe, túi khí bên được kích hoạt khi có va chạm từ hai bên hông xe. Dòng túi khí này thường chia làm 3 loại chính:
- Túi khí ngực – bảo vệ phần thân trên
- Túi khí đầu (túi khí rèm) – bảo vệ vùng đầu, đặc biệt trong trường hợp xe bị lật
- Túi khí kết hợp – thiết kế để bảo vệ cả đầu và ngực một cách đồng thời
Các loại túi khí bổ sung khác: Trên một số dòng xe cao cấp hoặc xe mới, bạn có thể thấy các túi khí ít phổ biến hơn như:
- Túi khí đầu gối – bảo vệ phần chân người lái khỏi va đập vào khu vực dưới bảng điều khiển
- Túi khí dây đai an toàn – tích hợp ngay trong dây đai để hỗ trợ phân tán lực va chạm
- Túi khí trung tâm – nằm giữa hai ghế trước, giúp ngăn ngừa va chạm giữa người lái và hành khách trong các tai nạn bên sườn
- Túi khí trên trần xe hoặc phía sau – hỗ trợ bảo vệ khi xe bị lật hoặc va chạm từ phía sau
Túi khí bung ra khi nào ?
Chúng chỉ bung ra khi xe gặp va chạm đủ mạnh và đạt đến ngưỡng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng khám phá nguyên lý hoạt động phía sau hệ thống túi khí:
Khi xe xảy ra va chạm, cảm biến va chạm (thường đặt ở đầu xe, sườn xe hoặc gần khoang hành khách) sẽ lập tức ghi nhận lực tác động. Nếu lực này vượt quá mức quy định – thường tương đương với va chạm ở tốc độ khoảng 20–30 km/h trở lên – hệ thống sẽ gửi tín hiệu đến bộ kích nổ túi khí.
Ngay sau đó, một phản ứng hóa học cực nhanh xảy ra tại ngòi nổ, tạo ra một lượng lớn khí (thường là khí ni-tơ hoặc hỗn hợp khí trơ). Khí này sẽ làm túi khí phồng lên chỉ trong vài phần nghìn giây, đủ nhanh để đón lấy người ngồi trước khi họ va chạm vào vô lăng, taplo hay cửa xe.
Sau khi phát huy tác dụng, túi khí sẽ xì hơi nhanh chóng thông qua các lỗ thoát khí được thiết kế sẵn. Nhờ đó, túi khí không chỉ hấp thụ lực mà còn tránh gây phản lực trở lại, đảm bảo an toàn tối đa cho người trên xe.
Trường hợp nào khiến túi khí không bung ?
Trên thực tế, hệ thống túi khí được thiết kế chỉ kích hoạt khi va chạm đạt hoặc vượt mức quy định về lực và hướng tác động. Ngoài cường độ va chạm, góc va chạm cũng là yếu tố quan trọng quyết định túi khí có bung hay không. Dưới đây là một số tình huống mà túi khí thường không hoạt động:
Va chạm từ phía sau: Trong các vụ đâm xe từ phía sau, túi khí phía trước thường không được kích hoạt vì không có lực tác động trực diện lên phần đầu xe – nơi cảm biến chính của túi khí thường đặt. Trong trường hợp này, ghế ngồi và tựa đầu sẽ đóng vai trò hấp thụ lực.
Xe bị lật: Nếu xe lật mà không có va chạm đủ mạnh vào khu vực có cảm biến túi khí, hệ thống có thể không kích hoạt. Khi đó, khung xe và dây an toàn sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ chính.
Xe bị kẹt dưới gầm xe khác (như xe tải): Dạng tai nạn này thường có góc va chạm thấp và lực tác động không đúng vị trí cảm biến, khiến túi khí không bung. Hệ thống an toàn chủ yếu trong trường hợp này vẫn là dây đai an toàn và cấu trúc khung xe.
3. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng hệ thống túi khí ô tô
Để túi khí phát huy hiệu quả tối đa mà không gây tác dụng ngược, người sử dụng xe cần tuyệt đối tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng sau:
Tuyệt đối không để trẻ em ngồi ở ghế trước: Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng. Trẻ em dưới 12 tuổi tuyệt đối không nên ngồi ở hàng ghế trước hoặc lắp ghế em bé ngồi xe hơi ở vị trí này, dù có hoặc không có túi khí. Cơ thể trẻ chưa đủ phát triển để chịu được lực bung mạnh của túi khí trước, và thay vì bảo vệ, túi khí có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho trẻ – đặc biệt là vùng đầu và cổ. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị phân tâm và có hành vi can thiệp vào bảng điều khiển, làm tăng nguy cơ tai nạn.
Từ ngày 1/1/2025, quy định cho trẻ em trên ô tô theo Nghị định 168/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m sẽ không được phép ngồi ở hàng ghế trước trên ô tô. Đồng thời, trẻ phải sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng phù hợp với độ tuổi và thể trạng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Không bắt chéo tay trên vô lăng: Một thói quen tưởng như vô hại nhưng lại rất nguy hiểm. Trong trường hợp túi khí vô lăng bung ra, tay bạn đang vắt chéo có thể bị hất mạnh vào mặt, ngực hoặc chính vô lăng, gây thương tích không mong muốn. Hãy luôn giữ tay đúng tư thế khi lái xe – khoảng 9 giờ và 3 giờ trên mặt đồng hồ.
Không đặt vật dụng trên bề mặt túi khí: Túi khí khi bung ra sẽ phồng lên với vận tốc cực nhanh, tạo ra lực nổ mạnh. Nếu bạn để bất kỳ vật gì như điện thoại, túi xách, thú nhồi bông… trên khu vực có túi khí (như taplo hoặc vô lăng), những vật này có thể biến thành “đạn bay”, gây chấn thương nghiêm trọng cho người ngồi trong xe.
Luôn ngồi đúng tư thế và thắt dây an toàn: Dù có túi khí hỗ trợ, dây đai an toàn vẫn là lớp bảo vệ đầu tiên và không thể thiếu. Ngoài ra, ngồi quá gần vô lăng hay nghiêng người về phía trước sẽ khiến lực bung của túi khí trở nên nguy hiểm thay vì bảo vệ bạn. Hãy giữ tư thế ngồi thẳng, khoảng cách hợp lý với vô lăng và luôn thắt dây an toàn.
Hiện tôi đang phụ trách kỹ thuật và hỗ trợ bảo hành tại Zaracos. Với mong muốn giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, tôi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình trên website gheoto.vn Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất.